Cách phòng dịch bệnh đơn giản từ việc rửa tay

Thứ hai - 24/10/2022 11:05
GD&TĐ - Theo ThS, bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung, phụ huynh cần rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm.
don gian tu viec rua tay 1 6863

Thời điểm giao mùa, trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: NVCC

Theo ThS, bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung – Trưởng khoa Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Dolife, phụ huynh cần phối hợp với giáo viên chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhận thức cho trẻ về dịch bệnh.

Rèn thói quen rửa tay

- Thưa bác sĩ, mùa tựu trường năm học 2022 – 2023 cũng là lúc dịch bệnh cũ tái phát, dịch bệnh mới xuất hiện. Những bệnh thường gặp nhất trong trường học vào thời điểm này là gì?

 

 

ThS, bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung: Hiện nay, các bệnh viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, chân tay miệng, sởi... và đặc biệt là Covid-19 đang bùng phát trở lại với nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của một số bệnh truyền nhiễm như cúm A/B, Adenovirus...

Đây là những dịch bệnh mà trẻ em trong độ tuổi đi học dễ mắc phải. Nguyên nhân do trong môi trường lớp học, trẻ em thường xuyên tiếp xúc, sinh hoạt cùng các bạn. Nếu một trẻ trong lớp bị bệnh và không cách ly kịp thời có thể xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo cho cả lớp.

Ngoài ra, trẻ có sức đề kháng, khả năng miễn dịch yếu hơn người lớn. Vì vậy, với những thay đổi từ bên ngoài như giao mùa, các em có thể bị vi khuẩn, virus có hại tấn công. Nếu không được điều trị kịp thời, một số bệnh lý sẽ gây biến chứng nặng và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và khả năng học tập của các em.

- Cha mẹ cần lưu ý gì trong việc chăm sóc và nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ?

Phụ huynh hãy rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay vì bàn tay là bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với môi trường xung quanh và cũng là nơi phát tán vi khuẩn nhiều hơn các bộ phận khác trên cơ thể.

Để hình thành thói quen rửa tay, phụ huynh hãy dặn trẻ luôn rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi hoặc sau khi chạm vào những đồ vật, bề mặt bẩn. Đồng thời, nhắc trẻ hạn chế ngoáy mũi, dụi mắt hay đưa tay lên mặt.

Bên cạnh đó, phụ huynh hãy tạo thói quen sống lành mạnh và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để tăng sức đề kháng và khả năng chống đỡ với virus. Trẻ em không nên thức khuya và cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt trong giai đoạn giao mùa như hiện nay, trẻ em cần bổ sung các loại vitamin như C, D hoặc thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Giữ ấm cho con trong giai đoạn giao mùa cũng là điều phụ huynh cần đặc biệt lưu ý. Nhiều người có thể nghĩ rằng thời tiết mùa thu dễ chịu, trẻ em có thể bị nóng khi mặc nhiều quần áo nên không nhất thiết phải giữ ấm. Tuy nhiên, vào thời điểm này, cơ thể trẻ em dễ bị nhiễm lạnh khiến sức đề kháng yếu đi, tạo cơ hội cho virus xâm nhập và phát triển.

Nếu con bị ốm, sốt, phụ huynh cần đưa con đi khám để tìm hiểu nguyên nhân, không nên cho trẻ đến trường làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho cả lớp.

Khi đi học, hãy nhắc nhở các em thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm giống như việc phòng chống dịch Covid-19. Trong đó cần lưu ý thường xuyên rửa tay, che miệng khi ho, hạn chế tiếp xúc với bạn bè khi có triệu chứng ho, sổ mũi hay sốt và báo ngay với thầy, cô giáo để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

don gian tu viec rua tay 3 1007

Học sinh Hà Nội đo thân nhiệt trước khi vào trường. Ảnh: Internet

Cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

- Nhà trường cần làm gì để chăm sóc sức khỏe và phòng tránh các bệnh truyền nhiễm cho học sinh?

Bên cạnh gia đình, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe và phòng tránh các bệnh lây nhiễm ở trẻ em. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn giao mùa, các trường cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe và biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Giống như phụ huynh, giáo viên cần hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc bản thân và hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Giáo viên phải tự trau dồi, nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe và phòng tránh bệnh truyền nhiễm. Từ đó, thường xuyên nhắc nhở trò trong tiết học, giờ sinh hoạt chung và coi đó như một bài học quan trọng tại trường.

Lau chùi các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà... trước và sau mỗi buổi học. Mỗi lớp học nên có một chai nước sát khuẩn giúp học sinh hình thành thói quen sát khuẩn tay sau khi vui chơi, tiếp xúc với bạn bè và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Một trong những phương pháp giúp trẻ tăng sức đề kháng là rèn luyện thể dục thể thao. Các bài tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ... giúp trẻ trau dồi khả năng vận động, hấp thụ các vitamin cần thiết cho cơ thể như vitamin C/D, tăng cường hệ miễn dịch. Những hoạt động trong không gian rộng rãi, thoáng mát cũng góp phần giảm khả năng lây nhiễm chéo.

Khi thấy học sinh có các biểu hiện như mệt mỏi, gục xuống bàn, mất tập trung trong giờ học, ho nhiều, sốt, sổ mũi... cần đưa xuống phòng y tế để cách ly và xử trí kịp thời.

- Nhà trường và gia đình cần phối hợp như thế nào để chăm sóc sức khỏe cho trẻ, thưa bác sĩ?

Công tác chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh cho trẻ em sẽ hiệu quả khi có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Phụ huynh cần trao đổi với giáo viên từ đầu năm học về tình hình sức khỏe của con, đặc biệt với những em có hệ miễn dịch kém, hay ốm vặt.

Nếu các em có biểu hiện ho, sốt, phụ huynh cần báo với giáo viên chủ nhiệm. Qua đó, thầy cô thông báo cho cả lớp và các phụ huynh khác để gia đình theo dõi biểu hiện và tình trạng sức khỏe của con.

Đồng thời, phụ huynh hãy dặn con khi cảm thấy cơ thể có dấu hiệu khác thường, phải thông báo ngay cho giáo viên và xuống phòng y tế kiểm tra, nghỉ ngơi.

Ở phía ngược lại, nếu thấy trẻ có biểu hiện ho, sốt, giáo viên cần liên hệ ngay với phụ huynh để kịp thời xử lý. Nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục sức khỏe cũng là phương pháp khuyến khích trẻ nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh dịch bệnh, đồng thời có thể tuyên truyền đến bạn bè, người thân.

“Nếu phụ huynh và giáo viên cùng kết hợp hướng dẫn, nhắc nhở, trẻ em sẽ hình thành ý thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cũng như bảo vệ mọi người xung quanh khỏi dịch bệnh, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong trường học”, ThS, bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung cho biết.

Tác giả: https://giaoducthoidai.vn/cach-phong-dich-benh-don-gian-tu-viec-rua-tay-post610828.html#610828|zone-box-focus-9|0

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Thăm dò ý kiến

Đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

 
Thống kê
  •   Đang truy cập 1
 
  •   Hôm nay 594
  •   Tháng hiện tại 26,756
  •   Tổng lượt truy cập 1,065,319